30/9/17

999. TRINH ĐƯỜNG


LTS: Ngày 30 tháng 9 năm 2017, Hội VHNT Quảng Nam phối hợp với Hội đồng gia tộc Tộc Trương – làng Phú Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, QN tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh và 16 năm ngày mất nhà thơ Trinh Đường (1917 - 2001).
***

Trinh Đường tên thật là Trương Đình, sinh ngày 1.1.1917, quê quán làng Phú Xuân, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Các bút danh khác: Trương Phú Xuân, La Vân, Duy Mỹ. Quê hương ông là một làng nhỏ bên sông Thu Bồn có núi đồi, sông suối, bãi bờ, ruộng nương… làm mạch nguồn cho sáng tác của ông sau này.
Ông bắt đầu làm thơ từ tuổi thiếu niên; mê thơ Đường, thơ Nguyễn Du và thơ Trung Đại của Việt Nam, Trung Quốc.. Ngoài thơ ông còn sáng tác văn xuôi, viết tiểu luận, phê bình…
Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, làm thư ký Đoàn văn hoá kháng chiến tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (1946). Từ năm 1947 đến 1954, ông là uỷ viên Ban chấp hành chi hội văn nghệ liên khu 5, phân hội trưởng phân hội văn nghệ Quảng Nam, tiền thân của Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng sau này. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc và lần lượt công tác ở các cơ quan thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban thơ Báo Văn nghệ, biên tập thơ nhà xuất bản Văn học. Thời gian này ông viết sung sức và lần lượt xuất bản nhiều tập thơ: Hoa gạo, Hạt giống, Thủy triều, Bạch Đằng tráng khúc, Về Thanh…
Trinh Đường là người có công trong việc phát hiện và bồi dưỡng lực lượng viết trẻ thời chống Mỹ, những nhà văn này về sau đều là những người chủ lực trong hoạt động văn nghệ trong cả nước.
Từ 1981, ông về hưu nhưng vẫn tham gia vào việc biên soạn nhiều tập tuyển thơ lớn như: Một thế kỷ thơ Việt, Ngày hội thơ (làm thế nào để có thơ hay), Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình. Ông tiếp tục cho xuất bản các tập thơ: Giao mùa (1982), Quán trọ (1991), Hội hóa trang (1992), Cà Mau (1997), Điện Biên Phủ trên không (1997)....
          Nhà thơ Trinh Đường là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam… Ông là tác giả của những tập thơ nổi tiếng và hơn 300 đầu sách văn học.
          Sau một thời gian lâm bệnh, nhà thơ Trinh Đường mất tại Hà Nội ngày 28 tháng 9 năm 2001, hưởng thọ 85 tuổi và được đưa về an táng tại quê nhà ngày 4-10-2001. Năm 2012, Trinh Đường được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
          Tác phẩm của ông khá đa dạng về nội dung: ngoài mảng thơ viết về đề tài đấu tranh chống Mỹ và công cuộc xây dựng đất nước, ông có nhiều tác phẩm viết về tình yêu, suy ngẫm đời người… Tác phẩm thơ: Hoa gạo (Nxb Văn học, 1960), Hạt giống (Nxb Văn học, 1966), Thủy triều (Nxb Văn học, 1973), Bạch Đằng tráng khúc - trường ca (Sở Văn hóa Hồng Quảng, 1963), Về Thanh (Sở Văn hóa Thanh Hóa, 1974), Giao mùa (Nxb Hội Nhà văn, 1982), Quán trọ (Nxb Lao động, 1991), Hội hóa trang (Nxb Thanh Niên, 1992), Trò chơi phù thế (Nxb Thanh niên, 1997), Cà Mau - trường ca (Nxb Thanh Niên, 1997), Điện Biên Phủ trên không - trường ca (Nxb Đà Nẵng, 1997)… Văn xuôi: Làm cầu La Kham – ký (Nxb VH, 1957), Ngày và đêm một lứa đôi - tập truyện ngắn (Nxb Đà Nẵng, 1988)… Lý luận phê bình: Ngày hội thơ (Nxb Văn học, 1994), Những gương mặt thơ mới - tập 1, 2 (Nxb Thanh Niên, 1994), Thơ và tuổi học trò (Nxb Lao động, 1994),  Một thế kỷ thơ Việt - tập 1 (Nxb Văn hóa thông tin, 1995), Thơ Việt thế kỷ XX chọn lọc và bình - tập 1 (Nxb Thanh Niên, 1999)…
          Sinh thời, ông đã đốt hơn mười tập thơ của mình vì chưa thỏa mãn với những gì mình viết ra. Sau đó, ông đóng cửa khép mình 3 năm để chuyên chuyện viết lách, đọc sách và tự học. Với ông “Thi bất kinh nhân tử bất hưu”, cả đời ông đã dành trọn cho sự nghiệp văn thơ. Ông quan niệm: “Không làm một tia chớp/ Sống làm gì cho lâu” hay “Ngày nào viết được câu thơ/ Mới là ngày tồn tại/ Bao tháng ngày còn lại/ Đều ở ngoài số tuổi đời tôi” (Ngẫu bút)…
Lúc đã ngoài 60 tuổi, nhà xuất bản Đà Nẵng định in cho ông một tuyển tập thơ. Bản thảo đã xong, chuẩn bị đưa đi in thì Trinh Đường quyết định ngừng in tuyển tập với lý do: “In tuyển tập tức là đã bắt đầu khép lại. Tôi chưa khép”.
Tuổi cao, ông vẫn mê mải với những chuyến đi vào Nam ra Bắc, xuống biển lên rừng, trèo đèo lội suối để viết. Hàng trăm bài văn thơ ra đời trong những chuyến đi như thế. Trinh Đường đi để tìm thơ, tìm những chân lý của cuộc sống, để hiểu những lẽ huyền vi của Trời, Đất. Trinh Đường quan niệm thơ là một cái gì đó thiêng liêng, nhưng không thể đứng ngoài cuộc sống. Ông thường nói với một số anh em thân: “Thơ như một cái mặt trống, phải có hiện thực cuộc sống đập vào thì nó mới rung vang lên được".... Trinh Đường cần mẫn, lao tâm, lao lực trong cuộc hành trình thơ riêng của mình. Hành trình ấy đã đem lại cho ông nhiều cảm hứng và trải nghiệm trong cuộc tìm tòi và vươn lên chính mình: “Mây sương trắng xóa biên thùy/ Xuống ga mới biết mình đi một mình”.
Mười hai năm cuối đời, nhà thơ Trinh Đường dốc hết sức để sáng tác và lo tìm những bài hay của thơ Việt thế kỷ 20. Tại đại hội Nhà văn Việt nam lần thứ 4 năm 1989, ông gửi đến các hội viên một câu hỏi: “Làm thế nào để có thơ hay?” và đề nghị mỗi tác giả tự chọn một bài thơ. Trân trọng việc làm của ông, nhiều nhà thơ đã viết bài trả lời. Ông biên tập những ý kiến đó thành tập “Ngày hội thơ” với trên 200 bài thơ, bài viết “Làm thế nào để có thơ hay?”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương có những dòng nhận định chính xác về thơ Trinh Đường: “Từ những năm 90, thơ Trinh Đường có biến động mạnh… Thơ Trinh Đường có lẽ đến lúc này mới tìm đúng quỹ đạo của mình. Một bài học về lao động thơ cả về công lẫn về tài. Cái nết không bao giờ thỏa mãn, cái tính suốt đời tìm đã không phụ ông… Một Trinh Đường tinh nhạy hơn khi nắm bắt những xao động vô cùng nhỏ bé của một không gian lớn là lòng người và cũng thanh thản hơn khi luận bàn những thắng thua được mất phận mình. Mọi việc quay nhìn lại thấy nhẹ nhàng thanh thản. Thanh thản thật sự tự lòng mình chứ không phải trong lý sự như hồi còn trẻ. Cái ranh giới giữa ta và người, giữa có và không đôi khi không còn nữa. Tuân thủ quy luật để thanh thản mà giữ lòng vui đời”.
Đọc thơ ông, ta gặp ở đây một Trinh Đường trìu mến: “Em em em anh biết nói sao cùng/ Bao đêm dài thương em mà mất ngủ”; một Trinh Đường mơ mộng: “Nằm trên thảm cỏ nhìn trời/ Nghe chim nghe gió nghe đời lâng lâng”; một Trinh Đường đằm thắm: “Nhắp chén trà xuân hương cúc đượm/ Giật mình ngỡ uống cả mùa thu”; một Trinh Đường quyết liệt: “Thà đem xác tôi trôi sông/ Còn hơn chôn bên mồ đứa ác”; một Trinh Đường đau đớn, dằn vặt với những câu hỏi về cõi nhân sinh, về cái hư cái thực, hữu hạn của đời người: “Đời này vừa cúi xuống/ Ngẩng lên tóc bạc rồi”
Thơ Trinh Đường cô đúc, kết hợp giữa phong cách thơ Đường, thơ hiện đại, thơ lục bát. Bút pháp tác giả luôn đổi mới, biến hóa, nhuần nhuyễn trong cấu trúc bài thơ và câu thơ, xáo trộn thực và hư, xáo động thời gian và không gian cảm xúc sáng tạo ở nhiều chiều thao thức.
Chùm thơ cuối cùng trước khi ông ra đi, có không ít những câu thơ như tuyên ngôn: “Nhập thế hay xuất thế/ Cỏ bờ hay bụi bờ/ Nhập thêm vào đất nước/ Mới nhập thân vào thơ” (Vĩ thanh).
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ trong điếu văn tang lễ Trinh Đường nhấn mạnh: “Ghét thứ thơ nhợt nhạt, thiếu máu, Trinh Đường tha thiết với cái mới, thậm chí luôn đau khổ và đi tìm cái mới, nhưng anh không sa vào hình thức chủ nghĩa đánh mất mình trong mớ ngôn từ rối rắm, vô hồn. 10 tập thơ và trường ca của Trinh Đường là một hành trình thơ tự vượt đầy gian khổ để theo kịp cái mới của đời sống. Đặc biệt cảm động là mảng thơ trong những ngày nằm viện, chống trả với bệnh tật, với hư vô: “Kiếp phù du, cõi trần ai/ Đến chưa ấm chỗ đã rời chân đi”.
Nhà thơ Trinh Đường đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ bạn đọc niềm tiếc thương, kính trọng.
Năm 2012, nhà thơ Trinh Đường đã được đề nghị tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là một phần thưởng xứng đáng giành cho một tài năng, một nhân cách lớn, một con người yêu thơ nhất nước, một người trọn đời vì thơ.
NHÀ THƠ TỪ NHỮNG HẠT QUÊ
       Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
           Kính tặng nhà thơ Trinh Đường
               nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Sinh ra từ những hạt quê
tháng năm theo đuổi đam mê cháy lòng
Hoa gạo bay thuở long đong
một thời trận mạc vẫn dong ruổi ngày.

Vần thơ chan chứa rứt ray
tình quê nợ nước trả vay cõi đời
chảy vào trang viết đầy vơi
chia nhau kí ức một thời đã qua.

Trăm năm về lại quê cha
tấm thân nằm giữa phù sa đắp bồi
nâng niu hạt giống mẩy chồi
bến sông Thu mãi bồi hồi tiếng thơ.
       (Những cụm từ in nghiêng trong bài thơ là tên tác phẩm của nhà thơ Trinh Đường)
                                                                                       Mộc Nhân – tháng 9 năm 2017
Thầy và trò tham gia buổi lễ

Em Thùy Trâm hs Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển đọc thơ Trinh Đường


Nhà thơ Đinh Huyền đọc thơ Trinh Đường

Nhà văn Phùng Tấn Đông đọc tiểu luận về Trinh Đường

Không có nhận xét nào: